Thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam

Việc Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam thống nhất thành lập Chính phủ Lâm thời ở miền Nam cũng được báo chí nước ngoài dự báo trước: "Ngay từ năm 1966, Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tính đến việc thành lập một Chính phủ lâm thời làm đại diện thương thuyết với Hoa Kỳ. Ý định này chưa được chính thức công bố, nhưng tháng 3 năm 1966, chính quyền Sài Gòn đã “thâu lượm” được tin này. Tin tức này lần đầu tiên được chính quyền Sài Gòn đề cập đến trong một công văn của Bộ Ngoại giao gửi Phủ Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương: “theo nguồn tin mà Tòa Tổng Lãnh sự Việt Nam (Cộng hòa) tại New Delhi thâu lượm được thì Mặt trận Giải phóng miền Nam dự định lập một Chính phủ lâm thời để buộc Mỹ phải thương thuyết với họ chứ không điều đình thẳng với Bắc Việt. Đây chỉ là nguồn tin chưa được xác nhận, xong theo sự nhận xét của thiểm Bộ, có lẽ cho tới nay Mặt trận Giải phóng miền Nam chưa thực hiện được ý định lập một Chính phủ là vì họ chưa chiếm hẳn được một vùng đất nào".[7]

Tờ Sài Gòn - Tokyo ngày 6 tháng 9 năm 1968 viết:

"Vừa qua, Mặt trận Giải phóng đang mở rộng quyền hành và ảnh hưởng của họ ở những vùng nông thôn.
Theo buổi phát thanh của Đài Giải phóng, các tổ chức chính quyền cách mạng đã được thành lập ở tất cả 44 tỉnh ở miền Nam Việt Nam.
Những tài liệu mà quân Mỹ bắt được của Mặt trận Giải phóng cho thấy rằng, mục tiêu cuối cùng của việc Mặt trận Giải phóng tăng cường xây dựng các cơ cấu chính quyền mới ở địa phương là để thiết lập một Chính phủ mới Liên hiệp Trung ương.
Mặt trận Giải phóng và Chính phủ Bắc Việt cũng như Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ Hòa bình Việt Nam đã chuẩn bị thương lượng với Mỹ về việc thành lập một chính quyền liên hiệp.
Tuy nhiên, có tin Mặt trận Giải phóng đang chuẩn bị một Chính phủ lâm thời của riêng họ trong tình hình việc thương lượng thất bại.
Do đó, các nguồn tin Mỹ rất lo trước hoạt động hiện nay của Mặt trận Giải phóng mặc dù họ cho rằng Mặt trận Giải phóng không thành công lắm trong cố gắng thiết lập một cơ cấu chính quyền mới".

Ngày 24 tháng 1 năm 1969, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam gửi Điện số 32 kèm theo Bản dự thảo lời kêu gọi của Ban vận động hiệp thương tới Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, chủ trương mở hội nghị Hiệp thương giữa Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam với Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam nhằm “thống nhất nhận định, chủ trương và phương hướng đấu tranh cho việc lập một nội các hòa bình ở Sài Gòn”.[8]

Trù bị

Ngày 25 tháng 5 năm 1969, trước những yêu cầu cấp thiết của cách mạng, Hội nghị Hiệp thương giữa Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam để bàn về việc thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời mới được triệu tập.

Đoàn đại biểu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam dự Hội nghị Hiệp thương gồm có:

Đoàn đại biểu Ủy ban Trung ương Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam có:

Tại hội nghị, hai đoàn đại biểu đã nhất trí đánh giá sự phát triển tình hình và thắng lợi của cách mạnh nhân dân ở miền Nam Việt Nam. Hai đoàn đại biểu đã nhất trí về thời cơ thuận lợi và sự cần thiết thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời thể theo nguyện vọng bức thiết của các tầng lớp nhân dân miền Nam Việt Nam và để đáp ứng nhu cầu cách mạng của nhân dân miền Nam đến thắng lợi.

Hội nghị Hiệp thương đã quyết định triệu tập Đại hội đại biểu quốc dân bao gồm đại biểu hết sức rộng rãi của các chính đảng cách mạng, các đoàn thể yêu nước, các tôn giáo, các dân tộc và các tầng lớp nhân dân, các địa phương, các nhân sĩ, trí thức... để tổng kết tình hình đấu tranh thắng lợi nhân dân về mọi mặt, quyết định đường lối, nhiệm vụ của nhân dân Việt Nam để giành thắng lợi hoàn toàn và cử ra Chính phủ Cách mạng lâm thời. Hội nghị đã quyết định lập một Ban trù bị đại hội để chuẩn bị Đại hội.

Đại hội Đại biểu Quốc dân

Từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 6 năm 1969, Đại hội Đại biểu Quốc dân miền Nam Việt Nam giữa Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam ở miền Nam cùng các lực lượng yêu nước khác đã họp tại một địa điểm thuộc tỉnh Tây Ninh. Đại hội nhận định tình hình "cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước" của nhân dân miền Nam và cử ra Chính phủ Cách mạng lâm thời và Hội đồng Cố vấn Chính phủ.

Thành phần tham dự gồm có:

"88 đại biểu và 72 khách mời là các chiến sĩ cách mạng lão thành; các anh hùng, các chiến sĩ thi đua đã lập chiến công trên các địa phương; các cán bộ và chiến sĩ hăng say công tác trong các ngành chính trị, quân sự, kinh tế, báo chí, văn học nghệ thuật; các đại biểu dân tộc... họ là những người tiêu biểu cho các chính Đảng, các dân tộc, các tôn giáo và các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, các lực lượng vũ trang giải phóng, đoàn thanh niên xung phong từ Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, miền Đông Nam Bộ, Huế, Đà Nẵng, Tây Nguyên, Thừa Thiên, miền Trung Trung Bộ, miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ, Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ...

Đại biểu cao tuổi nhất là cụ Lâm Văn Tết, 76 tuổi và đại biểu trẻ tuổi nhất là đoàn viên thanh niên xung phong Trương Thị Loan, 19 tuổi.

Tất cả đoàn đại biểu, các vị khách đã họp thành một đội ngũ thống nhất trong không khí đoàn kết chiến đấu vì tiền đồ và tương lai tươi sáng của dân tộc, thể hiện truyền thống bất khuất, quyết đánh thắng ngoại xâm của Hội nghị Diên Hồng, của Đại hội Tân Trào lịch sử, tiêu biểu cho ý chí và nguyện vọng của 14 triệu nhân dân miền Nam anh hùng."[9]

Khai mạc Đại hội Trịnh Đình Thảo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam thay mặt Ban trù bị Đại hội đọc diễn văn khai mạc. Luật sư Trịnh Đình Thảo nêu lên nhiệm vụ hàng đầu của Đại hội và nhìn lại một cách khái quát và biểu dương sự nghiệp kháng chiến của quân và dân miền Nam trong 15 năm qua, nhất là từ Tết Mậu Thân; đề ra phương hướng và nhiệm vụ cách mạng trước mắt của quân, dân miền Nam. Luật sư nhấn mạnh: “Trên cơ sở ấy, Đại hội đại biểu quốc dân của chúng ta sẽ xếp việc thành lập “Chính phủ Cách mạng lâm thời”, một cơ quan quyền lực tập trung có đầy đủ tín nhiệm bao gồm những người tiêu biểu nhất của các tầng lớp nhân dân, tôn giáo, dân tộc, có đầy đủ đức, tài để động viên những nỗ lực lớn nhất của quân và dân miền Nam ta, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân của mọi lực lượng, mọi cá nhân yêu nước, yêu hòa bình và dân chủ ở các thành thị, nông thôn, đồng bằng và rừng núi, tăng cường hơn nữa khí thế mãnh liệt của cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước trong thời mới".

Sau báo cáo khai mạc đại hội của Trịnh Định Thảo, Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Đại hội, Chủ tịch đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đọc bản "báo cáo chính trị". Trong đó có đoạn viết "để đáp ứng yêu cầu lớn lao của cuộc chiến đấu, đáp ứng nguyện vọng của toàn dân, để có cơ quan điều hành toàn bộ công việc nội bộ và ngoại giao của chúng ta trong giai đoạn lịch sử vinh quang này, sau khi có hiệp thương và hoàn toàn nhất trí giữa “Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam” và “Ủy ban Trung ương Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam”, chúng tôi đề nghị Đại hội đại biểu quốc dân xét và quyết định việc thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời để đoàn kết toàn dân, động viên toàn dân, toàn quân ta tiến lên đánh bại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, đánh đổ ngụy quyền tay sai, giành lấy thắng lợi hoàn toàn, thực hiện một miền Nam Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, trung lập, tiến tới hòa bình, thống nhất Tổ quốc..."

Sau ba ngày làm việc, Đại hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết cơ bản của Đại hội do Phùng Văn Cung thay mặt Chủ tịch đoàn trình bày về việc thành lập chế độ Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng Cố vấn bên cạnh chính phủ. Nguyễn Hữu Thọ thay mặt Ban trù bị Đại hội giới thiệu danh sách đại biểu được đề cử vào Ban Chấp hành Chính phủ Cách mạng lâm thời.